Vì sao ách tắc?ômhùmbônghếtđườngxuấtkhẩđội hình đội tuyển bóng đá quốc gia pháp gặp đội tuyển bóng đá quốc gia úc
Như Thanh Niênđã thông tin, tình hình xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc đang bị ách tắc một thời gian dài, nhiều trường hợp xe vận chuyển lên đến cửa khẩu buộc phải trả về, gây thiệt hại lớn cho các hộ nuôi và doanh nghiệp (DN). Tại buổi làm việc mới đây giữa đại diện cơ quan quản lý VN và Trung Quốc, Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) đã thông tin về quy định mới của nước này. Theo đó, từ 1.2.2021, Trung Quốc đã sửa đổi danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần được bảo vệ, trong đó tôm hùm bông là loài cần được bảo vệ cấp độ 2, trong đó quy định cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh đối với tôm hùm bông và các loài trong danh mục động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ.
Cụ thể, đối với tôm hùm bông nuôi thì không được đánh bắt trực tiếp từ biển và phải có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng; không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế hệ F2). Ngoài ra, việc xuất khẩu tôm hùm bông nuôi vào Trung Quốc phải xin cấp phép về bảo vệ động vật hoang dã từ Cục Ngư nghiệp, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc. Phía Trung Quốc yêu cầu đối với cơ sở bao gói, cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu phải thực hiện đăng ký thông tin cụ thể về cơ sở nuôi tôm hùm.
Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cho rằng vướng mắc trong xuất khẩu tôm hùm bông vào Trung Quốc là vấn đề bảo vệ động vật quý hiếm, nguy cấp và các thủ tục (của cả nhà nhập khẩu và cơ sở xuất khẩu) chứng minh quá trình nuôi trồng (từ con giống) đáp ứng yêu cầu này. Còn đối với các yêu cầu về an toàn thực phẩm, thủ tục hải quan không có gì thay đổi. Cục này cũng đề xuất Bộ NN-PTNT thông báo tới các cơ sở bao gói xuất khẩu, cơ sở nuôi tôm hùm bông về quy định biểu mẫu đăng ký của Trung Quốc đối với xuất khẩu tôm hùm bông sống vào thị trường này.
Ngay sau khi nhận được thông tin trên, PV Thanh Niênđã liên hệ với một số DN và chủ trại nuôi tôm hùm. Đa số cho biết so với tôm hùm xanh, tôm hùm bông nuôi khó hơn, chi phí cao hơn và đầu ra bấp bênh. Trong khi đó tôm hùm xanh tiêu thụ vẫn tốt và giá bán cũng chấp nhận được. Nhiều hộ nuôi tôm hùm bông thua lỗ vì vậy.
Bà Nguyễn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản và Thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP.HCM), cũng cho biết: "Tình hình xuất khẩu tôm hùm bông đã ách tắc lâu nay, đến hôm nay tôi mới biết là vì Trung Quốc sửa luật và yêu cầu khắt khe hơn về truy xuất nguồn gốc. Đối với DN của tôi thì vẫn đang xuất khẩu tôm hùm xanh bình thường. Về quy định này thì xem như rất khó có cửa cho tôm hùm bông vì lâu nay người dân nuôi tự phát, sử dụng nguồn giống cũng chưa chính quy. Nếu phía Trung Quốc yêu cầu phải chứng minh được nguồn gốc tôm hùm bông không phải tự nhiên thì không dễ dàng gì người nuôi chứng minh được. Quy định này xem như "bít cửa" đối với mặt hàng tôm hùm bông rồi".
Khó đáp ứng tiêu chuẩn mới của Trung Quốc
Tôm hùm hiện được nuôi phổ biến ở các tỉnh Nam Trung bộ, tập trung nhiều nhất ở 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Tại Phú Yên, có khoảng 96.000 lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu ở TX.Sông Cầu, H.Tuy An và Đông Hòa. Sản lượng tôm hùm bình quân khoảng 1.500 tấn/năm. Còn tại tỉnh Khánh Hòa có 4 vùng nuôi là Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh. Tổng số lồng thả nuôi tôm hùm toàn tỉnh khoảng 64.500 ô lồng, sản lượng bình quân trên 1.300 tấn/năm. Có 2 loài tôm hùm được nuôi phổ biến, là tôm hùm bông/sao (Panulirus ornatus) và tôm hùm xanh/đá (Panulirus homarus). Khoảng 90% sản lượng tôm hùm VN được xuất khẩu sang Trung Quốc dưới hình thức tiểu ngạch.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, công nghệ nuôi tôm hùm bằng lồng bè của ngư dân còn lạc hậu, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu. Tôm hùm sử dụng hoàn toàn thức ăn tươi, chưa sản xuất được thức ăn công nghiệp cho tôm hùm; mật độ nuôi tại các vùng nuôi chưa đảm bảo dẫn đến môi trường nuôi bị ô nhiễm; chưa sản xuất nhân tạo giống tôm hùm, chủ yếu nhập từ nước ngoài và khai thác tự nhiên. Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ triển khai sắp xếp lại số lượng lồng bè nuôi tôm hùm ven bờ, thực hiện giao khu vực biển để người dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống. Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm hùm tập trung, thả phao tiêu, chia lô phân luồng lạch để đảm bảo sức tải không ô nhiễm môi trường, vừa tạo mỹ quan môi trường vùng nuôi; phát triển các vùng nuôi tôm hùm theo hướng trang trại, công nghiệp, gắn với chế biến.
Sau khi phía Trung Quốc cung cấp biểu mẫu đăng ký mới cho việc khai báo xuất khẩu tôm hùm, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã chỉ đạo và phối hợp các địa phương thực hiện rà soát, thẩm tra và hoàn thiện danh sách các cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các quy định của VN và Trung Quốc chuyển về Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường để gửi cho phía Trung Quốc. Đến nay, Trung Quốc đã phê duyệt cho 46 cơ sở bao gói tôm hùm của VN được phép xuất khẩu sang nước này.
Trả lời Báo Thanh Niên, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nói: "Những quy định mới mà phía thị trường Trung Quốc đưa ra là rào cản hết sức khó khăn cho tôm hùm bông VN vì đến thời điểm hiện tại thế giới chưa có nước nào cho sinh sản thành công và thương mại tôm hùm bông giống. Gần đây mới chỉ có Úc thành công bước đầu trong việc cho sinh sản nhân tạo. Chính vì vậy mà ngành này khó đáp ứng được các tiêu chuẩn mới của Trung Quốc".
Một số chủ trại nuôi khác tại khu vực Đầm Môn (Phú Yên) cho biết hiện vẫn còn nuôi nhiều tôm hùm bông, tuy nhiên trước sự thay đổi của thị trường, họ sẽ chuyển đổi dần mặc dù trước mắt sẽ gặp khó khăn đầu ra và phải trông chờ vào thị trường nội địa.
Nghề nuôi tôm hùm còn nhiều hạn chế
Theo Bộ NN-PTNT, nghề nuôi tôm hùm tuy mang lại giá trị kinh tế cao, tuy nhiên tại các tỉnh hiện còn nhiều thách thức như việc quản lý nguồn giống, thức ăn, quản lý vùng nuôi còn nhiều bất cập. Đặc biệt các hộ nuôi tôm hùm luôn phải đối mặt nhiều rủi ro và thách thức khi có thiên tai, dịch bệnh, môi trường nuôi bị ô nhiễm, đầu ra phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc. Nuôi tôm hùm cần vốn đầu tư lớn, thời gian nuôi dài; sự tham gia của các DN lớn còn ít; người dân còn nhiều hạn chế về tiếp thu khoa học kỹ thuật, về ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường vùng nuôi. Liên kết giữa cơ sở nuôi tôm hùm với hệ thống cung cấp thức ăn, giống, chế biến, tiêu thụ, phân phối... còn hạn chế. Hoạt động phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm tôm hùm còn yếu, phụ thuộc chủ yếu vào người trung gian nhỏ lẻ.